Triết lý cuộc sống

Nét đẹp của bữa cơm gia đình

Cập nhật1125
0
0 0 0
Đã bao lâu rồi bạn chưa được ăn cơm nhà? Chắc hẳn có rất nhiều người trong chúng ta càng lớn thì khoảng cách với gia đình càng xa cả về mặt địa lý và tình cảm cho nên việc ăn cơm cùng các thành viên trong gia đình lại càng khó. Ngày bé, cứ mỗi khi đến giờ cơm cả nhà cùng ngồi quây quần bên nhau cùng nhau dùng bữa, cùng nhau chuyện trò. Nhưng theo thời gian, chúng ta quên mất rằng bản thân cũng cần có được cảm giác mà bữa cơm gia đình mang lại.

Bữa cơm gia đình là truyền thống biết bao đời nay của ông cha ta, nó mang nhiều ý nghĩa sâu sắc mà đến bây giờ dân ta vẫn còn gìn giữ. Truyền thống này được thể hiện rõ nhất qua mâm cơm ngày Tết. Cũng có thể nói ngày Tết là thời gian mà bữa cơm đầy đủ và ấm cúng nhất. Bởi vì, mỗi người con trong gia đình được sinh ra và lớn lên ở độ tuổi nhất định nào đó sẽ rời quê hương đến những thành thị hay xứ người để lập nghiệp và sinh sống, vào mỗi độ đông qua xuân về họ lại tất bật đón những chuyến tàu trở về quê hương, về bên gia đình.


Bữa cơm gia đình không chỉ để ăn no, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động mà nó còn là thời gian nhìn nhận và nuôi dưỡng tinh thần mỗi người. Có rất nhiều ý nghĩa xung quanh bữa cơm mà ít ai quan tâm đến nhưng đó lại là phần quan trọng trong mỗi con người.

Về góc nhìn ý nghĩa từ vật dụng được sử dụng trong mâm cơm

Bữa cơm gia đình thường được bày ra trong mâm tròn, mâm tròn trịa thể hiện tình yêu thương của những người trong nhà đủ đầy và hạnh phúc. Cả nhà sẽ dùng chung nồi cơm, chén mắm và các món chính tượng trưng cho sự sẻ chia, có ít ăn ít, có nhiều thì cùng ăn nhiều.

Tiếp đến là đôi đũa, trước khi ăn thường người nhỏ nhất sẽ so đũa cho từng người từ lớn đến nhỏ sau cùng là mình, đó là sự kính trọng và giúp đỡ, người nhỏ thì làm việc nhỏ. Chúng ta đã được nghe “Câu chuyện bó đũa”, một đôi đũa là mỗi một người, cả bó đũa là cả gia đình, mà một đôi tách rời bẻ gãy chẳng khó, nhưng sẽ không thể nào bẻ gãy cả bó từ nhiều đôi gộp thành. Đó chính là sự đoàn kết, một gia đình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau thì đó là nơi an toàn nhất mà ai cũng muốn trở về. Thêm nữa, khi ăn cần so đôi đũa cho bằng nhau là vì sao? Một đôi đũa bằng không chỉ giúp chúng ta sễ dàng sử dụng mà ẩn sâu trong đó là hình ảnh đôi vợ chồng đồng sức đồng lòng mà có như vậy gia đình mới vững vàng vượt qua sóng gió trong cuộc đời.
 
Về mặt ý nghĩa nhận thức và giá trị tinh thần

Không đặt nặng vấn đề phải suy xét nguồn gốc từng món ăn, nhưng suy cho cùng khi được ăn chúng ta cũng đã thấy mình may mắn hơn nhiều người khác ngoài kia khi họ không có đủ ăn mà cũng không có người thân bên cạnh. Thầm cảm ơn ba mẹ đã sinh ra chúng ta, cho chúng ta cuộc sống dù không quá sang giàu nhưng nó là tất cả đối với họ. Cảm ơn công lao của những người tạo ra nguyên liệu cho bữa ăn đủ đầy dinh dưỡng để từ đó ta biết trân quý và không lãng phí thức ăn bởi lãng phí cũng là tội. Bởi “Ăn bát cơm đầy nhớ ngày gian khổ/ Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi/Ăn bát cơm nhớ công ơn cha mẹ”.


Bữa ăn gia đình còn là biểu tượng của sự gắn kết, yêu thương và sum họp. Sau ngày dài bộn bề với công việc, học tập… thật tuyệt khi chúng ta có một gia đình cùng ngồi với nhau dùng bữa, tâm sự, chia sẻ bỏ lại mọi buồn phiền, uất ức và giận hờn ngoài ngõ cửa. Nhờ đó, mỗi thành viên trong gia đình có cảm giá gần gũi và gắn kết hơn.

Lời mời đầu bữa cơm sẽ bắt đầu câu chuyện cho cả nhà trong bữa ăn. Lời mời chính là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Và với những người lớn trong nhà, chắc chắn rằng bất kỳ ai nghe thấy lời mời cơm từ con cháu cũng đều có cảm giác vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc.
Qua bữa cơm sẽ hình thành phần tinh thần tốt đẹp ở trẻ em, nuôi dưỡng tính cách tích cực hơn. Ví dụ, bữa cơm không ngon nhưng không có lời trách mắng mà thay vào đó là những lời sẻ chia để sửa đổi thì đứa trẻ lớn lên cũng sẽ theo đó mà cư xử với mọi người. Mỗi một gia đình, lăng kính rõ nhất để nhìn thấy bản thân mình đó là qua con cái. Sẽ thật yên tâm về cách bản thân đối xử với cha mẹ ông bà nếu con mình ngoan ngoãn, kính trọng người lớn. Nhưng không may, nếu bọn trẻ có hành vi sai trái, trước hết hãy nhìn lại bản thân và bắt đầu cùng chúng sửa đổi.

Bạn đã nghe câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, câu này dạy cho chúng ta rằng trong bữa cơm, người ngồi ở đầu nồi (thường là người nấu cơm: bà hoặc mẹ) vừa ăn vừa để ý và xới cơm cho cả nhà. Nếu như thấy thiếu thì sẽ ăn chậm lại hoặc ăn ít đi nhường cho các thành viên khác để luôn giữ không khí vui vẻ cho bữa ăn. Mỗi bữa cơm không chỉ để ăn no bụng mà còn tạo nên sợi dây gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình!

Bữa cơm gia đình thường được nấu tại nhà, chính vào giai đoạn này các bà, các mẹ thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc chọn món, cách nấu sao cho bữa cơm ngon, bổ đưỡng và đủ. Họ cũng truyền lại cho con cháu cách thức nấu ăn cũng như cách sống ngay chính tại gian bếp của gia đình.

Ngày nay cuộc sống phát triển, thói quen sinh hoạt truyền thống trong gia đình cũng biến đổi nhanh chóng, thêm vào đó là những tác động trái chiều từ môi trường xã hội đã khiến cho “sợi dây” gắn kết hạnh phúc gia đình càng thêm lỏng lẻo. Nhiều gia đình chờ nhau cùng ngồi vào mâm cơm, nhưng cũng không ít những gia đình “cơm nấu để đó, mạnh ai nấy ăn”. Thì với những gia đình đó có sự linh hoạt, không phải đợi chờ nếu có thành viên đang bận việc chưa ngồi ăn cùng được nhưng nhìn lại nếu cứ như vậy thì sợi dây gắn kết gia đình ấy hiện hữu ở đâu? Vì nhiều lý do mà bữa ăn gia đình không còn đẹp đẽ như trước đây. Công nghệ dắt díu sự tập trung quá lớn, nhiều bạn dù đã ngồi vào bàn ăn nhưng mắt vẫn “dán” vào điện thoại, ipad không thôi hay bố mẹ vừa ăn vừa lo công việc, không về quan tâm đến người trong nhà và không khí xung quanh.

Đối với những người xa nhà thì bữa ăn gia đình thế nào? Như đã nói bữa ăn gia đình không chỉ để ăn no mà nó nuôi dưỡng tinh thần, sự gắn kết. Vì cuộc sống luôn dịch chuyển, chúng ta cũng vậy nhưng đừng bi quan. Hãy gọi về nhà, để được nghe giọng nói Ba Mẹ vẫn khỏe, hỏi han họ đã ăn cơm chưa, hôm nay thế nào… khi đó bạn cũng sẽ nhận được câu hỏi tương tự thể hiện sự quan tâm của người nhà đối với bạn. Như thế thì dù khoảng cách có xa xôi, gia đình vẫn luôn có thể san sẻ và yêu thương nhau.

Hãy tự thiết lập mối quan hệ gia đình với những người bạn chung sống hiện tại, ngay trong khu trọ, chung cư hay kí túc xá để chia sẻ những bữa ăn cùng nhau và cả những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Có như thế, dù là ở đâu bạn cũng không thấy cô đơn lạc lõng và những bữa ăn cùng nhau sẽ khiến phần tình cảm đó thêm bền chặt.

Kết lại, hạnh phúc gia đình là điều mà bất cứ ai nào cũng mong muốn có được, để cuộc sống thật sự có ý nghĩa và trọn vẹn. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình lại luôn có những biến động, thay đổi khiến cho hạnh phúc không dễ để gìn giữ nếu như các thành viên không thường xuyên có ý thức vun đắp, củng cố nó. Và xây dựng hạnh phúc gia đình không phải là những điều gì đó to tát, xa vời mà chỉ là những việc làm rất nhỏ, giản dị và rất đời thường diễn ra hàng ngày hệt như như bữa cơm gia đình.
NguồnLê Liến (Ms.)
Lượt xem07/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng